Thursday, January 4, 2018

Bảo Dưỡng Tổng Quát Cho Xe Ô Tô Bạn Nên Biết

1. Bảo dưỡng ắc-quy ôtô
2. Bảo dưỡng lốp xe
3. Bảo dưỡng dầu phanh
4. Bắt bệnh của phanh
5. Hỏng hóc của hệ thống làm mát

Chi Tiết:
1. Bảo dưỡng ắc-quy ôtô
Những thiết bị điện tử có thể làm tiêu hao năng lượng điện trong ắc-quy một cách nhanh chóng. Trước khi ra khỏi xe, bạn cần kiểm tra xem các thiết bị như điều hòa, loa, đèn đã tắt hoàn toàn hay chưa. Một chiếc ắc-quy có tuổi thọ 3-5 năm nhưng cũng có thể "chết" sau vài ngày không sử dụng xe.
Tính năng của những chiếc xe mới hiện nay cao hơn rất nhiều so với 20 năm trước đây. Các thiết bị đã được cải tiến và tất cả gần như đều sử dụng điện. Tuy nhiên, có một cản trở mà các hãng xe thường phải vượt qua là hệ thống điện và ắc-quy trên xe hơi ngày càng phình to, gây khó khăn khi lắp ráp và sản xuất xe. Vì vậy, những tình huống trớ trêu cũng vì thế mà xuất hiện như sau vài ngày không đi, đến khi khởi động thì bạn mới nhận ra ắc-quy đã “chết”.

Bạn kiểm tra thấy cửa đã đóng, hệ thống âm thanh, đèn cũng đã tắt và không thể tìm nguyên nhân trực tiếp khiến ắc-quy hết điện như vậy. Trong trường hợp này, một bộ pin sạc 12 volt có thể giúp chống lại việc “rỉ” điện, tuy nhiên giải pháp đó chỉ thích hợp với những xe để trong vài tháng mà không đi.
Các thiết bị điện hiện đại có thể làm cho ắc-quy “chết” nhanh hơn so với những chiếc xe đời 1970 hay xa hơn. Mỗi thiết bị sử dụng “một chút” điện ngay cả khi mọi thứ đã tắt. Những chiếc máy tính tích hợp trên xe là bộ phận tiêu hao năng lượng điện nhiều nhất. Các máy tính điều khiển phun nhiên liệu, kiểm soát nhiệt độ vùng, module khởi động, điều khiển đèn pha, dàn radio kỹ thuật số, đồng hồ, ghế nhớ các vị trí đều làm ảnh hưởng tới độ bền của ắc-quy.
Tiên tiến hơn 20 năm trước, công nghệ ngày nay giúp xe hơi gần như rơi vào “giấc ngủ” và luôn trong trạng thái sẵn sàng. Bất cứ khi nào được kích hoạt, chúng sẽ hoạt động. Các bộ phận điều khiển điện tử vẫn hoạt động âm thầm và tiêu thụ một chút năng lượng. Nhưng chỉ cần để qua vài ngày, chúng có thể làm cạn một bình ắc-quy.
Vài thiết bị khác cũng sử dụng điện từ ắc-quy mặc dù ở trạng thái không hoạt động như máy phát điện, bộ điều chỉnh dòng, hệ thống đánh lửa. Bên cạnh đó, những chiếc diode (bộ phận nắn dòng một chiều nằm trong các thiết bị) có thể bị hỏng và dòng điện có cường độ lớn sẽ đi qua. Tuy nhiên, tình huống này hiếm khi xảy ra.
Để biết mức độ sử dụng điện của các thiết bị đó, bạn có thể đo dòng xả khi tắt khóa đánh lửa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các máy tính trên xe hơi sử dụng dòng điện 5-8 mA để giữ cho bộ nhớ hoạt động. Hầu hết các mẫu xe hiện đại có giới hạn dòng ở khoảng 25-28 mA hoặc thấp hơn ngoại trừ vài loại xe hạng sang có mức cường độ dòng điện cao hơn một chút. Riêng đèn cho xe tải cần cường độ dòng 900 mA hay 0,9 A và có thể sử dụng hết ắc-quy trong vòng một đêm.
Để đo cường độ dòng điện, một số mẫu xe cần phải nghỉ 30 phút trước khi tiến hành. Nếu đo ngay, các máy tính có thể đang ở trạng thái “thức” và tiêu hao nhiều năng lượng, vì vậy, kết quả không hoàn toàn chính xác. Khi các thiết bị đó đi vào trạng thái “ngủ”, kết quả đo mới chính xác. Thậm chí, với những chiếc xe trang bị bộ giảm xóc bằng khí nén hoặc hệ thống cân bằng điện tử có bạn cần phải chờ ít nhất 70 phút trước khi tiến hành. Có một điểm cần lưu ý là khi đang đo, bạn không được mở cửa (làm sáng đèn nội thất), xoay chìa khởi động hay bật đèn pha bởi có thể làm hỏng am-pe kế.
Cuối cùng, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tuổi thọ của ắc-quy. Nhiệt độ cao khiến các phản ứng trong ắc-quy diễn ra nhanh hơn và vì thế nó cũng “chết” nhanh hơn. Hơn nữa, các chất bẩn trên điện cực ắc-quy khiến nó không thể xạc điện từ máy phát. Vì vậy, hãy giữ ắc-quy sạch, mát và khô để nâng cao tuổi thọ của chúng.
 2. Bảo dưỡng lốp xe
Bơm không đúng áp suất, không đảo lốp định kỳ và lắp lệch là nguyên nhân phổ biến dẫn tới giảm tuổi thọ lốp và gây nguy hiểm khi lái. Vì vậy, nên kiểm tra lốp 2 lần mỗi tháng để tìm ra các hiện tượng bất thường một cách kịp thời, trước khi chúng ảnh hưởng tới an toàn của xe.
Giống như cần gạt nước và bộ lọc dầu, lốp là bộ phận thường xuyên bị mòn trong quá trình sử dụng thông thường. Hơn nữa, lốp có ảnh hưởng lớn tới độ an toàn của xe khi nó là nơi chịu trách nhiệm chính trong quá trình xe chuyển động. Những dấu hiệu hỏng hóc của lốp thường rất dễ nhận biết dựa trên hiện tượng mài mòn. Và nếu thường xuyên kiểm tra lốp, nó sẽ cho bạn biết những thông tin hết sức quý giá để khắc phục đúng lúc.


Hai yếu tố đầu tiên mà bạn cần quan tâm là thành và ta-lông lốp (phần bề mặt tiếp xúc với mặt đường). Ta-lông được gia cố bằng các dây thép nhằm tăng khả năng chống lại các vật nhọn đâm vào, trong khi thành lốp lại không có tác dụng đó.
Do sự khác biệt này nên đối với tất cả các loại lốp, bạn nên bắt đầu từ thành lốp và kiểm tra thật cẩn thận. Quan sát tất cả các vết xước, các đốm nổi hay vết rạn. Nếu tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào, bạn nên tháo lốp và mang tới đại lý hay gara uy tín để kiểm tra kỹ hơn. Do đặc tính mỏng, hay hỏng khi bị tác động của thành lốp nên bạn cần có lốp dự phòng trước khi đi xa.


Tiếp theo, ta-lông là nơi đặc biệt quan trọng. Với chi tiết này, bạn cần xem độ sâu của chúng để biết bạn có thể đi bao nhiêu km nữa trước khi thay lốp mới. Thông thường, mỗi chiếc lốp thường có dấu hiệu xác định độ mòn ta-lông và độ sâu của rãnh. Nếu các đường gân tạo nên một mặt phẳng, tốt nhất hãy thay một chiếc mới. Một phương pháp khác là đút đồng xu 1.000 vào rãnh lốp. Nếu bạn nhìn thấy toàn bộ quốc huy khi đặt mắt ngang mặt lốp, lúc đó nên thay mới.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên để ý tới các vết mòn bất thường. Nếu độ sâu của rãnh lốp không bằng nhau chứng tỏ hiện tượng mòn bắt đầu xuất hiện. Có những nguyên nhân chính khiến lốp mòn như bơm lốp không đúng cách, lắp không thẳng và không đảo lốp định kỳ.
Bơm đủ áp suất
Bơm lốp đúng tiêu chuẩn là cách giảm độ mài mòn tốt nhất. Thông thường, những chiếc lốp không đủ hơi có thành lốp bị lún, khiến bề mặt lốp bị mòn về hai mép trong khi phần giữa không bị mòn nhiều. Bên cạnh đó, lốp non còn gây nên hiện tượng quá nhiệt do tăng ma sát với mặt đường dẫn đến mòn nhanh hơn, thậm chí bị nở ra.
Tuy vậy, những chiếc lốp quá hơi cũng gây nên nhiều phiền toái và chỉ bị mòn ở phần giữa ta-lông trong khi hai mép vẫn “bình yên”. Nếu quá áp suất quy định, lốp sẽ mòn nhanh hơn và cách tốt nhất là bạn xì bớt hơi. Thông thường, các nhà sản xuất lốp khuyến cáo nên kiểm tra áp suất lốp 2 lần/tháng. Để xem chỉ tiêu áp suất lốp đi theo xe, bạn có thể tìm thông tin trên bảng chỉ dẫn gắn ở khung cửa phía tài.
Khi bơm lốp, bạn cũng nên để ý tới nhiệt độ môi trường. Trong những ngày trời nóng, áp suất lốp thường tăng khoảng 0,06-0,1 atm còn khi trời lạnh khiếp áp suất giảm đi tương ứng.
Đảo lốp định kỳ
Phương pháp thứ 2 để tăng tuổi thọ lốp là chỉnh cho nó không bị lệch. Nếu lốp lắp không tiếp xúc tối ưu với mặt đường, hiện tượng mòn xảy ra không đều, bất thường và nhanh chóng. Khi bị hiện tượng này, lốp thường mòn một phía nào đó và tạo góc với mặt đường khiến giảm độ bám. Cách tốt nhất để khắc phục lỗi này là mang xe tới các gara để chỉnh lại.
Giai đoạn tiếp theo trong quá trình kiểm tra lốp là so sánh mức độ mòn giữa lốp trước và lốp sau. Thông thường, lốp trước mòn nhanh hơn lốp sau, đặc biệt khi xe rẽ, bởi lúc đó mat sát với mặt đường tăng lên. Sự khác biệt này rất rõ khi chiếc xe sử dụng hệ dẫn động bánh trước và giải pháp là bạn nên đảo lốp xe định kỳ sau khoảng 8.000-12.000 km đi được.
Cân bằng lốp
Các thợ xe thường gắn các mẩu nhỏ kim loại trên vành để tạo cân bằng động cho lốp. Vì vậy, bạn nên chú ý và đừng vứt nhưng chi tiết đó nếu không biết tác dụng. Bình thường, trong quá trình sử dụng, các vị trí của lốp có độ mòn khác nhau khiến sự phân bố trọng lượng không đồng đều. Để tạo độ cân bằng, tránh rung và đảo xe khi lái, các thợ sửa thường thêm các miếng kim loại để bù khối lượng bị mất trên lốp. Để xác định các vị trí lệch người ta phải dụng thiết bị chuyên dụng và thợ phải có kinh nghiệm, vì vậy, bạn nên mang xe tới các trạm sửa uy tín.

3. Bảo dưỡng dầu phanh
Đa số người sử dụng xe hơi quên bảo dưỡng dầu phanh và chỉ chú ý đến chi tiết này khi gặp sự cố. Tuy không cần kiểm tra mức dầu phanh thường xuyên nhưng nên thay chúng một cách định kỳ. Dầu phanh phổ biến nhất mà các hãng xe sử dụng tại Việt Nam là DOT 3, DOT 4, có thành phần dựa trên gốc glycol.
Các hãng sản xuất khuyến cáo khách hàng nên thay dầu phanh hai năm một lần. Thời gian thay dầu phanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại phanh và hoạt động của phanh phụ thuộc nhiều vào thành phần này. Dầu “già” làm mất nhiều năng lượng phanh, khiến những bộ phận đắt tiền hỏng nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tính chần chừ khiến chúng ta hay đợi đến khi có dịp hoặc hỏng hóc xảy ra mới để ý đến nó. 
Có nhiều loại dầu phanh trên thị trường như DOT 3, DOT 4, DOT 5. Các loại này phải có nhiệt độ sôi cao để tránh dầu bay hơi do nhiệt độ cao từ hệ thống phanh. DOT 3 là loại dầu phanh thông dụng ở Mỹ, Việt Nam và có nguồn gốc glycol.

 Theo quy định của Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ SEA, nhiệt độ sôi của dầu phanh DOT 3 phải cao hơn 205 độ C và tương thích với những vật liệu khác trong hệ thống phanh, có khả năng chống ăn mòn và không xảy ra biến đổi hóa học khi trộn với các loại dầu phanh khác. Nhiệt độ sôi của dầu là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Trong trường hợp dầu sôi sẽ sinh ra bóng khí trong hệ thống kín. Khi nhấn chân phanh, một phần áp suất phanh tác động lên những bóng khí này mà không tác động hoàn toàn vào đĩa phanh khiến tính năng phanh giảm và chân phanh nhẹ.
*Kỹ thuật bảo dưỡng xe 
Một vài hãng xe châu Âu sử dụng dầu phanh DOT 4, có gốc glycol tương tự DOT 3 nhưng có nhiệt độ sôi cao hơn, ở 227 độ C. Điểm yếu của gốc glycol trong DOT 3, DOT 4 là tính hút nước cao và hút hơi ẩm vào hệ thống phanh. Nước có nhiệt độ sôi thấp hơn nhiều dầu nên nó sẽ tạo nhiều bóng khí, ảnh hưởng tới chất lượng phanh. Nhiều sản phẩm dầu phanh của các nước châu Âu có nồng độ nước dưới 3%. Tương tự DOT 3, DOT 4 được dùng khá phổ biến tại Việt Nam.
Bên cạnh nhiệt độ sôi thấp, nước còn gây ăn mòn các chi tiết kim loại. Đối với các xi-lanh, chuyện ăn mòn không quá tồi tệ nhưng với hệ thống chống bó cứng ABS có giá hàng nghìn USD, đó sẽ là vấn đề lớn. Thay dầu phanh không những tăng hiệu quả phanh mà còn kéo dài tuổi thọ của các hệ thống thủy lực khác.
Khác với DOT 3 và DOT 4, DOT 5 sử dụng hóa chất có gốc silicone. DOT 5 không hấp thụ hơi ẩm từ không khí và không tấn công bề mặt sơn như glycol. Thế nhưng, điểm yếu của silicone là độ nhớt của nó không thích hợp với DOT 3, DOT 4 (thường được sử dụng trong những thiết bị như ABS). Hơn nữa, silicone rất hay bị rỉ ra ngoài nên khó hàn kín. 
Ưu điểm lớn nhất của DOT 5 là nhiệt độ sôi cao, gần 260 độ C. Silicone và glycol không được trộn lẫn vào nhau nên các bạn cẩn thận khi thay dầu phanh, không thay dầu DOT 5 cho DOT 3 và DOT 4. Trước hết, nên rửa sạch đường ống khi thay loại này bằng loại kia hoặc chỉ thay cùng một loại dầu để tránh những phiền toái không đáng có.
Hiện tại, các hãng sản xuất cho ra lò một sản phẩm dầu phanh mới có những ưu điểm của silicone và glycol dưới cái tên “dầu tổng hợp”. Ưu điểm chính của nó là có nhiệt độ sôi cao, ở 250 độ C và phù hợp với mọi loại dầu phanh khác.
4. Bắt bệnh của phanh
Phanh đĩa dù có nhiều ưu điểm hơn phanh tang trống nhưng vẫn có bệnh như tạo tiếng kêu, chân phanh không nhả hoặc bị rung.
Phanh là một trong những thiết bị có tần số hoạt động vào loại cao nhất trên xe hơi. Chức năng của nó là giảm tốc, dừng đỗ và giúp xe đứng yên trên các mặt đường dốc. Gần như tất cả các loại ôtô hiện nay đều trang bị hai hệ thống phanh độc lập với nhau là phanh chân và phanh tay. Trong đó, phanh chân chỉ hoạt động khi nhấn vào bàn đạp phanh và khi nhả chân thì đồng thời phanh cũng nhả. Phanh tay thì ngược lại, nó vẫn duy trì lực hãm khi nhả phanh. Thông thường, phanh tay dùng cơ cấu hãm trục truyền động còn phanh chân dùng cơ cấu hãm bánh xe.

Theo cách phân chia theo cơ cấu hãm, phanh chân được chia thành phanh tang trống và phanh đĩa. Ở kiểu phanh tang trống, áp suất thủy lực tác động lên piston và truyền cho má phanh để áp sát vào tang trống. Vật liệu ma sát trên má phanh sẽ tiếp xúc với tang trống, làm chậm tốc độ quay của tang trống và trục bánh.
Còn với phanh đĩa, vật liệu ma sát (má phanh) kẹp đĩa kim loại (quay cùng với trục bánh) nhờ áp suất thủy lực từ chân phanh. Phanh đĩa không có xu hướng phanh đột ngột (xe giật mạnh) như phanh tang trống mà có độ cân bằng tốt hơn khi dừng.
Mỗi loại phanh có ưu nhược điểm riêng và trên một số xe hiện đại, các hãng vẫn trang bị cả phanh tang trống lẫn phanh đĩa. Dù thế nào, hai loại phanh này có điểm chung là chúng đều có những bệnh riêng của mình, tùy theo từng loại.
Bệnh của phanh tang trống
Hiện tượng phổ biến nhất của phanh tang trống mà các xe (kể cả ôtô và xe máy) hay gặp phải là phanh hết cỡ nhưng lại không hiệu quả. Chẳng hạn như trên ôtô, tài xế có đạp chân phanh chạm sàn, xe vẫn không dừng theo ý muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như cần đẩy piston xi-lanh chính bị cong, thiếu dầu hoặc lọt khí trong hệ thống, má phanh quá mòn.
Trong trường hợp cần đẩy piston chính bị cong hoặc má phanh mòn, giải pháp cần làm ngay là thay chiếc mới. Nếu thiếu dầu, bạn nên tới các garage hoặc đại lý chính hãng để bổ sung theo đúng loại mà nhà sản xuất khuyến cáo như DOT3, DOT4 hay DOT5. Còn nếu hệ thống thủy lực bị lọt khí, các đại lý sẽ tiến hành xả khí, mà thợ hay gọi là "xả e", bắt nguồn từ từ tiếng Anh "air-không khí".
Một hiện tượng hiếm gặp nhưng hết sức nguy hiểm là xe bị lệch sang một bên khi phanh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lực phanh tác động lên các bánh không đồng đều, do một trong số chúng dính dầu, khe hở má phanh-tang trống không đều, đường dẫn dầu bị tắc cục bộ. Khi gặp phải tình huống này, bạn nên tới ngay các garage để sửa chữa bởi nó khiến xe rất dễ lật, mất lái khi ở tốc độ cao, mà đặc biệt với các loại kích thước lớn như xe thể thao đa dụng.
Ngoài các hiện tượng trên, một vấn đề mà người đi xe thường gặp phải là tiếng kêu khi phanh. Dấu hiệu này cho thấy má phanh đã quá mòn, trơ đinh tán và chúng ma sát với tang trống gây tiếng két két rất khó chịu. Phản ứng duy nhất là bạn thay má phanh mới, giúp phanh ăn hơn và xe đi cũng dễ chịu hơn.
Bệnh phanh đĩa
Phanh đĩa có ưu điểm là có độ cân bằng tốt khi dừng. Xét theo khía cạnh sử dụng cho xe cá nhân, phanh đĩa có ít nhược điểm và cũng ít bệnh hơn phanh tang trống. Tuy nhiên, do các dòng sedan (xe 5 chỗ) hay SUV thường đi với tốc độ cao nên việc theo dõi, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện hỏng hóc là hết sức cần thiết. Đầu tiên, nếu bàn đạp rung khi phanh, bạn phải nghĩ ngay tới trường hợp đĩa phanh vị vênh, bề dày không đều và giải pháp là thay thế đĩa phanh mới.
Bệnh thường thấy hơn của kiểu phanh này là tiếng kêu khi bạn nhấn chân phanh. Và nguyên nhân chủ yếu là má phanh quá mòn. Đĩa tiếp xúc với má mòn tạo ra tiếng kêu loẹt xoẹt, xuất phát từ sự va chạm giữa kim loại trên má (hết lớp vật liệu ma sát) với đĩa phanh. Đối với xe máy, kỹ thuật viên thường xử lý bằng cách mài mịn đĩa để loại các vết xước. Tuy nhiên với ôtô, lực phanh thường lớn hơn nên cách giải quyết duy nhất là thay má và đĩa phanh mới.
Hiện tượng thường gặp thứ hai là phanh không nhả sau khi bỏ bàn đạp phanh. Đây là dấu hiệu cho thấy bộ trợ lực phanh hỏng, bàn đạp cong nên không trở về vị trí ban đầu. Ngoài ra, một lý do nữa là cần đẩy bơm chính được điều chỉnh không đúng và cách khắc phục là tới các garage để kiểm tra, hiệu chỉnh.

5. Hỏng hóc của hệ thống làm mát
Hệ thống làm mát đảm bảo động cơ không bị quá nhiệt và hoạt động ổn định. Những vấn đề chủ yếu của hệ thiết bị này là rò rỉ chất làm mát ra ngoài hoặc vào động cơ, chất làm mát bị quá nhiệt gây sôi và bơm yếu hoặc không hoạt động.
Quá nhiệt là một trong những vấn đề quan trọng với động cơ bởi nó có thể phá hủy các mối nối, vỡ miếng đệm, méo xi-lanh và nhiều hậu quả khác. Mặc dù nhiệt đóng vai trò quan trọng khi xe khởi động, nhất là vào những ngày trời lạnh, nhưng thông thường khi xe được làm ấm vừa phải, nó hoàn toàn có thể khởi động một cách dễ dàng. Để giải tỏa nhiệt sinh ra từ động cơ, xe nhất thiết phải có hệ thống làm lạnh nhằm giữ khoảng nhiệt độ phù hợp. Khi xe gặp phải hiện tượng quá nhiệt, nó làm tăng nhiệt độ chất làm mát, qua đó tăng áp suất chất lỏng, khiến van giảm áp trên nắp áp suất mở rộng nên chất lỏng vào bình giãn nở nhiều hơn. Nếu lượng chất làm mát quá nhiều, hiện tượng sôi có thể xảy ra.

Kiểm tra

Hệ thống làm mát thường không nằm trong tầm quan tâm của các lái xe và vì vậy, nhiều người không để ý tới khi nhiệt kế chạm mức vạch báo động tới mức xe không thể khởi động được nữa hay thấy chất lỏng màu xanh rơi ở gầm máy. Mặc dù không thể kiểm tra thường xuyên như áp suất lốp hoặc mức dầu nhưng hệ thống làm mát nên được bảo dưỡng một cách định kỳ.
*Đoán bệnh xe qua mùi 
*Tìm bệnh qua tiếng kêu 
*Bắt bệnh bugi 
Sau khi kiểm tra mức dầu, bạn nên xem hệ thống làm mát. Bạn có thể tìm các vết nứt, rạn hay các nút phồng trong cụm gia nhiệt hay ống lưới tản nhiệt, các vị trí gần vòng kẹp hoặc gần vật chuyển động. Tiếp đến làm kiểm tra màu sắc chất làm mát. Tùy thuộc vào từng nhà sản xuất khuyến cáo, từng loại nhớt có thể có màu xanh neon, hồng hoặc vàng cam. Nếu chất làm mát có màu của gỉ sét, chứng tỏ hệ thống bị hở do chúng ăn mòn các chi tiết. Bạn nên kiểm tra lưới tản nhiệt, đặc biệt tại các khớp nối bị han và các vị trí có hơi ẩm. 
Nếu các thiết bị trên không có hỏng hóc, bạn có thể kiểm tra bộ điều nhiệt và các mối hàn của bơm nước. Sau đó là kiểm tra các mối nối bộ gia nhiệt, bao gồm cả động cơ và bộ cách nhiệt. Nếu có hơi nước hoặc thảm ghế trước bị ẩm chứng tỏ bộ gia nhiệt bị hỏng.
Nếu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, bạn nên kiểm tra phần dưới của lưới tản nhiệt, nơi liên kết với động cơ. Cuối cùng là kiểm tra ngay cả động cơ. Nếu khi khởi động ống xả có khói trắng, bạn nên nghĩ tới việc chất làm mát đã vào xi-lanh. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng bởi chất lỏng sẽ làm đầy một phần xi-lanh. Khi khởi động, sự di chuyển của piston có thể làm thanh truyền bị cong hoặc đầu xi-lanh bị nứt. Tình trạng này được gọi là sự nghẹt thuỷ tĩnh. 
Nếu lưới tản nhiệt hay bình chống tràn vẫn có mức nước thấp mà không tìm thấy chỗ thủng, có thể do chất làm mát rỉ qua lưới tản nhiệt và bị quạt gió hóa hơi. Để kiểm tra, hãy khởi động động cơ và xem có sương mù ở cánh quạt không, nhưng bạn nên giữ khoảng cách an toàn với cánh quạt bởi nó rất nguy hiểm.
Sửa chữa
Nếu phát hiện thấy hiện tượng rò rỉ, bạn có thể tự sửa bằng cách sử dụng các chất làm kín. Khi cho vào hệ thống làm mát, chất làm kín sẽ hàn các vết rỉ tại những nơi không dễ hàn như lưới tản nhiệt. Tuy nhiên, nếu hiện tượng quá nhiệt nghiêm trọng trong khi bạn không thể tự xác định nguyên nhân, hãy đưa xe tới các garage để các thợ có kinh nghiệm hơn phán đoán và tìm cách sửa tối ưu.

No comments:

Post a Comment