Wednesday, January 10, 2018

Kiểm Tra, Sữa Chữa Hệ Thống Lái Ô Tô

Kiểm tra, sửa chữa hệ thống lái:
a) Kiểm tra và điều chỉnh độ rơ vành tay lái
- Độ rơ vành tay lái là độ dài cung quay tự do của vành tay lái từ vị trí tác động làm bánh xe bắt đầu chuyển hướng về một phía đến vị trí tác động làm bánh xe chuyển hướng về phía ngược lại. Độ rơ vành tay lái được kiểm tra khi bánh xe dẫn hướng ở vị trí đi thẳng trên đường bằng.

- Các xe ô tô cần phải có độ rơ vành tay lái để giảm tác dụng của phản lực xóc của mặt đường truyền lên vành tay lái giúp người lái đỡ mệt. Tuy nhiên, nếu độ rơ vành tay lái quá lớn sẽ hạn chế tính cơ động và khả năng điều khiển xe. Đối với hệ thống lái có trợ lực dầu, độ rơ vành tay lái khoảng 50 mm ; còn đối với hệ thống lái không trợ lực, độ rơ khoảng 75 mm.
 - Việc kiểm tra độ rơ vành tay lái được thực hiện như sau:
1. Kiểm tra và điều chỉnh đúng độ căng dây đai dẫn động bơm dầu và mức dầu trong bình chứa của bơm dầu.
 2. Khởi động động cơ và đặt hai bánh xe trước ở vị trí đi thẳng.
 3. Xoay vành tay lái từ từ cho đến khi hai bánh xe trước bắt đầu dịch chuyển rồi đánh một điểm dấu bằng phấn trên vành tay lái thẳng với một điểm dấu trên thước cố định.
 4. Xoay từ từ vành tay lái ngược lại cho đến khi hai bánh xe trước bắt đầu dịch chuyển. Đánh dấu thứ hai trên thước đo thẳng với dấu trên vành tay lái.
 5. Khoảng cách giữa hai dấu trên thước đo chính là độ rơ vành tay lái cần kiểm tra. Nếu số đo này vượt quá quy định thì cần kiểm tra và điều chỉnh các bộ phận liên quan.
 - Kiểm tra cơ cấu dẫn động lái:
 + Độ rơ tổng hợp của cơ cấu dẫn động lái được kiểm tra bằng cách kích đầu xe để nâng hai bánh xe trước lên khỏi mặt đất, dùng hai tay giữ hai bánh xe trước rồi cùng giật vào và đẩy ra để xem độ lắc của chúng. Nếu cảm nhận được độ lắc lớn chứng tỏ cơ cấu dẫn động lái bị rơ nhiều.
 + Để xác định chính xác độ rơ, cần dùng thước để đo bằng cách kéo hai bánh xe vào hết cỡ, rồi nhờ một người đo khoảng cách hai mép trong phía trước của bánh xe, sau đó đẩy ra hết cỡ và đo lại khoảng cách giữa hai điểm đo lúc trước. Độ chênh lệch hai lần đo chính là độ rơ tổng hợp của cơ cấu dẫn động lái.
 b) Kiểm tra hiện tượng tay lái nặng
- Hiện tượng tay lái nặng chủ yếu là do ma sát lớn trong các bộ phận của hệ thống lái. Có thể tìm nguyên nhân theo phương pháp kiểm tra như sau :
 + Kích đầu xe để nâng bánh xe trước lên rồi xoay vành tay lái qua lại để kiểm tra độ nặng của nó.
 + Tháo thanh kéo dọc khỏi đòn quay đứng rồi xoay vành tay lái kiểm tra lại độ nặng, nếu thấy nhẹ hơn thì chứng tỏ nguyên nhân là ở các khớp cầu của các thanh kéo, trong cơ cấu dẫn động lái. Ngược lại, nếu vành tay lái vẫn nặng thì nguyên nhân là ở hộp tay lái.
 c) Sửa chữa các chi tiết của hệ thống lái
- Hư hỏng chính của hệ thống lái gồm:
+ Mòn trục vít và con lăn của trục đòn quay đứng
+ Mòn các ống lót, vòng bi và ổ lắp vòng bi
+ Sứt mẻ hoặc nứt vỡ các mặt bích và thân hộp tay lái, mòn các chi tiết khớp cầu của các thanh dẫn động, các thanh kéo bị cong.
- Trục vít nếu bị mòn thấy rõ hoặc có hiện tượng tróc rỗ bề mặt thì phải thay mới. Khi thay, phải thay cả cặp trục vít – con lăn.
- Đối với thân hộp tay lái, những chỗ sứt mẻ hoặc nứt nhỏ trên thân được hàn phục hồi.
- Đối với cơ cấu dẫn động lái, các hư hỏng thường là mòn các khớp cầu và máng lót, cong các thanh kéo. Khi các chốt cầu bị mòn, có thể thay cả cụm chốt cầu, máng lót và lò xo.
- Đối với cơ cấu lái có trợ lực, nếu thấy mất trợ lực, trợ lực yếu hoặc không đều khi quay vành tay lái qua lại là hệ thống trợ lực bị hỏng. Để khắc phục, cần phải xả dầu, tháo rời bơm và các chi tiết của cơ cấu, rửa sạch và kiểm tra hỏng hóc. Chi tiết không đạt yêu cầu phải được thay mới. Sau khi lắp, cần chạy bơm trên bàn thử; kiểm tra lưu lượng và áp suất dầu cung cấp của bơm. Sau khi kiểm tra, sửa chữa, lắp ráp các chi tiết của cơ cấu, kiểm tra lại sự làm việc của hệ thống trợ lực, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. 

No comments:

Post a Comment